Trang

Slider Code Enter Here

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

4 nhóm thuốc trị viêm mũi cho bà bầu

Thalidomide, một thuốc an thần có thể gây những vấn đề trầm trọng cho sự phát triển của phôi thai khi được uống ở tuần thứ 20 - 36 của thai.
Thalidomide, một thuốc an thần có thể gây những vấn đề trầm trọng cho sự phát triển của phôi thai khi được uống ở tuần thứ 20 - 36 của thai.
Trước đây, các bất thường của thai nghén được cho là có nguồn gốc di truyền. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi từ năm 1961 khi Lenz ở Tây Đức và McBride ở Australia đã có những báo cáo độc lập với nhau ghi nhận rằng thalidomide, một thuốc an thần được kê khá phổ biến khi đó, có thể gây những vấn đề trầm trọng cho sự phát triển của phôi thai khi được uống ở tuần thứ 20 - 36 của thai. Kể từ đó, sự an toàn của các loại thuốc đối với thai nghén đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của y học và xã hội.
Hầu hết các loại thuốc trước khi đưa ra thị trường đều không được thử nghiệm về tính an toàn ở phụ nữ có thai vì lý do đạo đức, các thông tin phần lớn đều chỉ được thu thập qua các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, do đó, độ tin cậy cũng có nhiều hạn chế. Các thuốc dùng trong điều trị viêm mũi cũng không phải là ngoại lệ, các thầy thuốc lâm sàng thường gặp không ít khó khăn khi quyết định lựa chọn sử dụng các thuốc này ở phụ nữ mang thai, dựa trên những thông tin có được hiện nay.
Các khảo sát gần đây ở nhiều quốc gia khác nhau cho thấy, viêm mũi gặp ở khoảng 20-30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là một trong những nhóm bệnh lý thường gặp nhất trong thời kỳ mang thai. Các thay đổi về miễn dịch trong thời kỳ này cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng viêm mũi của thai phụ. Theo các hướng dẫn điều trị viêm mũi hiện nay, có 4 nhóm thuốc chính được sử dụng.
Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi dùng thuốc trị viêm mũi
Thuốc kháng histamin
Các dữ liệu có được cho đến nay đều góp phần khẳng định tính an toàn của các thuốc kháng histamin thế hệ cũ với thai nghén, bao gồm chlorpheniramin, triprolidin, tripelennamin và hydroxyzin, không có thuốc nào trong số này làm tăng nguy cơ dị dạng thai.
Mặc dù có những thông tin từ một vài nghiên cứu gợi ý rằng các thuốc brompheniramin, diphenhydramin và promethazin có thể làm tăng nguy cơ bất thường thai, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau đó về vấn đề này đã chứng minh điều ngược lại.
Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 mới được đưa vào sử dụng gần đây nên cũng có ít hơn những thông tin về độ an toàn với thai nghén. Một vài nghiên cứu trên số lượng lớn phụ nữ mang thai có sử dụng clemastin, cetirizin và terfenadin trong những tháng đầu của thai kỳ để điều trị dị ứng đã cho thấy, các thuốc này không làm tăng nguy cơ của các bất thường thai như đẻ non, chậm phát triển thai, chết trước sinh hoặc dị tật thai so với những người không dùng thuốc.
Với hoạt chất loratadin, một nghiên cứu trên 1.769 phụ nữ có sử dụng thuốc trong thời gian mang thai đã phát hiện thấy tỷ lệ trẻ nam đẻ ra có dị dạng lỗ niệu đạo thấp nhiều gấp 2 lần so với tỷ lệ chung trong cộng đồng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa trung tâm sau đó đã không tìm thấy sự khác biệt nào về tỷ lệ đẻ non, dị tật thai hoặc trọng lượng thai lúc sinh giữa các bà mẹ có và không sử dụng loratadin trong thời gian mang thai, cũng không có trường hợp nào bị dị dạng lỗ niệu đạo thấp được phát hiện.
Thuốc kháng leukotrien
Các thông tin có được cho đến nay còn quá ít để có thể đưa ra kết luận về tính an toàn của nhóm thuốc này đối với thai nghén. Trong các nghiên cứu đã được công bố, số phụ nữ mang thai có tiếp xúc với các thuốc kháng leukotrien được khảo sát là quá nhỏ để có thể đánh giá nguy cơ gây đẻ non hoặc chậm phát triển thai của các thuốc này.
Thuốc co mạch
Trong số các thuốc co mạch đường uống, một vài nghiên cứu cho thấy, phenylephrin và pseudoephedrin có thể có liên quan với dị tật nứt ổ bụng bẩm sinh và tịt ruột non khi được sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau đó lại không cho thấy mối liên quan này.
Ngoài ra, do phenylephrin và pseudoephedrin thường được bào chế trong dạng phối hợp với các thuốc khác như paracetamol, clorpheniramin… nên khó có thể kết luận về mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng các thuốc này với nguy cơ dị tật của thai. Các thuốc co mạch dạng nhỏ mũi như oxymetazolin, xylometazolin, tetryzolin, nephazolin và phenylephrin cũng được một số nghiên cứu chứng minh là không có nguy cơ gây ra hai loại dị tật kể trên, mặc dù qui mô của các nghiên cứu này còn tương đối nhỏ.
Corticoid xịt mũi
Số lượng các nghiên cứu về độ an toàn của corticoid xịt mũi đối với thai nghén còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, với các kết quả nghiên cứu có được cho đến nay kết hợp với thông tin từ các nghiên cứu về corticoid xịt ở bệnh nhân hen phế quản, có thể nhận định rằng ở liều điều trị thông thường, hầu hết các loại corticoid xịt mũi sử dụng phổ biến hiện nay như beclomethason dipropionate, budesonide, triamcinolon acetonide, fluticason propionate và mometason furoate không gây ra các bất thường thai, kể cả khi được sử dụng ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giảm corticoid xịt mũi về liều thấp nhất có thể khi sử dụng ở phụ nữ có thai.
Tóm lại, đối với phụ nữ mang thai, cần hết sức lưu ý bảo vệ sức khỏe khống chế các bệnh mạn tính và tránh mắc phải các bệnh cấp tính. Khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, cần được khám xét và điều trị an toàn hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải dùng đến các thuốc chữa bệnh, kể cả thuốc dùng ngoài như thuốc bôi, thuốc xịt.
BS. Nguyễn Hữu Trường

Nguồn (bacsi.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
ghế sofa nỉ | sofa nỉ |